Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ thi được đánh giá khá căng thẳng, khốc liệt trên địa bàn Hà Nội. Phụ huynh nào cũng đều mong muốn con em mình sẽ có được kết quả tốt, đạt mục tiêu, nguyện vọng, nhất là giành được 1 suất vào các trường top đầu...

Được biết, năm nay, Trường THPT Yên Hòa (cùng với THPT Chu Văn An) tiếp tục có mức điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 cao nhất Hà Nội với 42,5 điểm. Với cách tính điểm xét tuyển là tổng 3 môn thi, trong đó, Toán và Ngữ văn nhân hệ số hai, để trúng tuyển, thí sinh cần đạt trung bình mỗi môn 8,5 điểm.

Tuy nhiên, một phụ huynh có cháu thi vào 10 được 43,75 điểm mới đây ngậm ngùi cho biết, cháu mình đã mất cơ hội vào THPT Yên Hòa chỉ vì bố mẹ nghe "lời khuyên" của giáo viên chủ nhiệm, không đăng ký Yên Hòa là nguyện vọng 1 cho con.

"Bố mẹ không dám đăng ký nguyện vọng 1 Yên Hòa vì cô giáo chủ nhiệm nhắn tin cho mẹ cháu (vài lần) rằng con chưa đủ điểm đỗ Quang Trung (điểm của con chỉ chớm Quang Trung). Bố mẹ cháu đã nộp hồ sơ 1 trường tư cho cháu vài ngày trước rồi ạ", người này nói.

Chia sẻ của phụ huynh này nhận về nhiều tranh luận.

Lỗi của cô giáo hay do phụ huynh không theo sát con?

Nhiều người đồng cảm với phụ huynh này. Họ nhận định, trong trường hợp này, cô giáo cũng có một phần lỗi, vì giáo viên là người nắm được lực học của học sinh hơn gia đình. Mỗi lời khuyên của cô với cha mẹ và học sinh là "lời vàng ý ngọc", không ít người nghe theo vì sợ con đặt nguyện vọng quá năng lực sẽ "xôi hỏng bỏng không". Chính sự tư vấn chưa chính xác của cô giáo đã tước đi cơ hội học trường tốt của em học sinh này.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến cho rẳng, nhiệm vụ của cô giáo là tư vấn, còn quyền quyết định tương lai của con là từ mong muốn, cân nhắc của chính gia đình. Nếu cô tư vấn chọn trường cao hơn nhưng con không thi đỗ, liệu lúc đó cha mẹ có "truy" trách nhiệm cho cô giáo hay không?

Một phụ huynh cho biết, con mình thi khảo sát lần nào điểm cũng rất cao, nhưng khi đăng ký nguyện vọng, mặc dù thích THPT Chu Văn An nhưng con vẫn bảo đăng ký trường thứ hai chứ đừng chọn trường cao nhất. Chị sợ con tâm lý nên đăng ký THPT Yên Hòa, kết quả con được 46 điểm nhưng gia đình không tiếc, bởi việc thi cử không biết đâu mà lần.

Một người khác chia sẻ, năm ngoái con chị "quay xe" từ THPT Cầu Giấy sang THPT Yên Hòa, cô chủ nhiệm khuyên gia đình nên cân nhắc vì không chắc chắn. Tuy nhiên chị vẫn kiên định, cuối cùng con thi đỗ với số điểm 44,75.

"Mọi ý kiến chỉ mang tính tham khảo chị ạ. Nhà em có nghe các cô khuyên nhưng vững tinh thần, để 1 nguyện vọng vừa sức hoặc hơn sức con 1 xíu, 1 nguyện vọng có điểm chuẩn các năm thấp hơn hẳn sức con 2 - 2,5 điểm thêm 1 bộ hồ sơ trường tư. Con thi thế nào không sao cả, các con đã cố gắng hết sức rồi, thi cử cũng còn yếu tố may mắn", một bà mẹ chia sẻ.

Trên thực tế, việc đăng ký, sắp xếp các nguyện vọng thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển là điều không phải phụ huynh, học sinh nào cũng thực sự có kinh nghiệm. Các năm trước đã có trường hợp học sinh trượt cả nguyện vọng 1 và 2 do cách sắp xếp không phù hợp, trong khi điểm thi ở mức khá. Nguyện vọng 3 thì thường các em chọn ở một trường có điểm chuẩn thấp hẳn, ở rất xa nên nhiều em trúng tuyển cũng không muốn học.

Các chuyên gia khuyên, chọn nguyện vọng nên căn cứ vào năng lực học tập, đối chiếu với điểm chuẩn của trường trong vài năm gần đây. Nguyện vọng 1 cần đặt trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực, sở thích. Nguyện vọng 2 trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường nguyện vọng 1 và cùng thuộc khu vực tuyển sinh.

Các chuyên gia nhận định phụ huynh không nên chọn trường có điểm chuẩn chênh lệch quá cao so với sức học của con. Thay vào đó, phụ huynh nên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con; tạo cho con cảm giác an tâm; không chạy theo thành tích, chọn trường vừa sức; ưu tiên chọn những trường gần nhà để tiện di chuyển, đảm bảo sức khỏe cho con.